Hưng Yên: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mạnh

Hưng Yên:

Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mạnh

Tỉnh Hưng Yên đang chú trọng phát triển các khu, CCN công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến, để hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian tới.

>>> Cụm công nghiệp Ngô Quyền – Tiên Lữ – Hưng Yên đang tích cực triển khai công tác GPMB

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Hưng Yên có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ giữa ba tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, gần các cảng biển quốc tế Hải Phòng, Cái Lân và sân bay quốc tế Nội Bài. Do vậy, địa phương này được xác định có lợi thế cạnh tranh trong phát triển KCN và dịch vụ logistics.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hưng Yên

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, trong 2 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 10,48%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 225,34%, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 353 tỷ đồng, tăng 210,48%, thu ngân sách đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 35,91%… Hiện, toàn tỉnh có 8 KCN đã thu hút dự án đầu tư, 9 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng. Tỉnh có 2.145 dự án đầu tư đang hoạt động. Trong đó, có 1.631 dự án trong nước, 514 dự án nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký hơn 310.897 tỷ đồng và gần 6,263 tỷ USD.

Hiện nay, tại các KCN, tỉnh Hưng Yên có chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Các KCN của tỉnh Hưng Yên rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Hệ thống điện lưới thuận tiện cho việc đấu nối cung cấp, phục vụ sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, địa phương này đã dành trên 50ha để xây nhà ở cho công nhân ở các KCN. Hiện nay, tỉnh đang có hơn 1.000 ha mặt bằng sạch đang sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư.

Công nhân làm việc tại nhà máy tại tỉnh Hưng Yên

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, tỉnh Hưng Yên rất chú trọng phát triển các khu, CCN tập trung, quy mô lớn để thu hút các nhà đầu tư, dự án lớn, có công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường vào đầu tư; đồng thời, không tiếp nhận các dự án ngoài khu công nghiệp.

 

Theo đại diện Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc cho biết, vào năm 2017, tập đoàn đã hợp tác với tỉnh Hưng Yên và Công ty cổ phần tập đoàn Ecopark ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển 2 KCN và 1 khu đô thị với tổng diện tích 785ha, trong đó, KCN hợp tác kinh tế Hàn – Việt được ưu tiên xúc tiến đầu tiên. Sau giai đoạn 1 là dự án KCN sạch, giai đoạn 2 sẽ đi vào triển khai dự án “KCN xanh thông minh”. Dự kiến, sau khi hoàn thành, dự án có thể thu hút khoảng 60 doanh nghiệp của Hàn Quốc đến đầu tư.

Cần có tầm nhìn xa để phát triển

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hưng Yên chú trọng phát triển 3 khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Trong đó, 2/3 khâu đột phá là tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và thu hút các khu, CCN nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất. Đến năm 2030, Hưng Yên phấn đấu trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh của cả nước.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên trong cần tập trung phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương nhằm thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, thực hiện quy hoạch có chiến lược, tầm nhìn xa. Tăng cường đầu tư phát triển KCN, CCN hiện đại để thu hút nhà đầu tư lớn. Đồng thời, gợi ý Hưng Yên cần tận dụng dư địa phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, có tầm nhìn xa để phát triển các KCN lớn, chiến lược, tránh manh mún, dàn trải; tập trung mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, hình thành mạng lưới để thu hút doanh nghiệp.

“Xây dựng các Khu công nghiệp là tiền đề, nhưng phải kéo được nhà đầu tư vào mới là quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư bấm nút khởi công dự án Khu công nghiệp số 5 tỉnh Hưng Yên

Được biết, trong số các KCN đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhiều KCN đã đi vào hoạt động nhiều năm, đạt tỷ lệ lấp đầy cao, như: KCN Dệt may Phố Nối (tỷ lệ lấp đầy 100%), KCN Phố Nối A (tỷ lệ lấp đầy 83%), KCN Thăng Long II (tỷ lệ lấp đầy 64,6%)… Mới đây, vào tháng 11/2022, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành khởi công xây dựng dự án KCN sạch, quy mô 143,08ha, tổng vốn đầu tư 1.788,59 tỷ đồng. Và gần đây nhất, địa phương này đã khởi công dự án KCN số 5 thuộc KCN và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt có diện tích hơn 192 ha, với tổng mức đầu tư là 2.385 tỷ đồng. Dự án KCN số 5 sẽ tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực như điện tử, cơ khí chính xác; công nghiệp nhẹ, các ngành sản xuất kinh doanh khác phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hưng Yên.

Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, tỉnh Hưng Yên đã không ngừng đổi mới về cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng dịch vụ công; duy trì hoạt động gặp gỡ, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc. Địa phương này cũng tập trung phát triển các khu, CCN công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Đồng thời, định hướng không bổ sung quy hoạch các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, CCN hiện hữu; chú trọng việc thu hút đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và sản phẩm xuất khẩu; tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, địa phương này cũng chú trọng phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường…

Theo đại diện BQL các KCN tỉnh Hưng Yên cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư vào các KCN thời gian tới được đơn vị xác định là đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút nhà đầu tư thứ cấp; tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục đầu tư các KCN trong quy hoạch. Đồng thời, quan tâm tổ chức rà soát ngành nghề thu hút đầu tư đối với những KCN chưa lấp đầy, thu hút đầu tư có chọn lọc đối với các dự án đầu tư mới theo hướng ưu tiên dự án có quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ ngay!