Bất động sản công nghiệp, logistics vẫn hấp dẫn Nhà đầu tư quốc tế

Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills khẳng định, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics.

Một góc Công ty Logos Vsip Bắc Ninh
Một góc Công ty Logos Vsip Bắc Ninh

“Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối (last-mile logistics) và triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu (built – to – suit) nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư”, ông John Campbell phân tích.

Còn theo ông Jack Harkness – Giám đốc Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương của Savills đánh giá, trước đây là một ngành kinh doanh ít nhận được sự quan tâm nhưng hiện nay, bất động sản công nghiệp và logistics đang phát triển với công nghệ cao và đòi hỏi những chuyên môn phức tạp. Nhu cầu đối với các dòng sản phẩm mới nổi như giao hàng chặng cuối, các kho nhỏ gần đô thị phục vụ người tiêu dùng và kho lạnh đang ngày càng tăng nhanh.

“Nhà đầu tư đang quan tâm đến các phân khúc ngách của logistics như giao hàng chặng cuối và kho lạnh. Điều này một phần nhằm tăng thêm lợi nhuận kinh doanh, động lực khác là sự phát triển ngày càng tinh vi và đa dạng các phân khúc mới của thị trường logistics”, ông Jack Harkness cho biết.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thị trường logistics và khu công nghiệp tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Về thị trường logistics, mặc dù đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn song cũng đã tạo ra nhiều cơ hội mới. Với nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao trong khi nguồn cung vận chuyển bị gián đoạn do các biện pháp phong tỏa và hạn chế di chuyển, các công ty logistics tại Việt Nam đã tận dụng cơ hội này để phát triển. Ngoài ra, sự gia tăng của thương mại điện tử cũng đã đóng góp vào tăng trưởng của thị trường logistics tại Việt Nam.

Các thị trường chính được những nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới quan tâm là Trung Quốc, Nhật Bản và Australia. Tuy nhiên, ông Jack Harknes dự đoán, sự quan tâm tập trung đến Ấn Độ và Đông Nam Á, những nơi đang hưởng lợi từ sự đa dạng hóa sản xuất và tăng trưởng tiêu dùng và sẽ nổi lên mạnh mẽ trong tương lai.

Công ty Savills dẫn chứng, năm 2022, Quỹ đầu tư chính phủ Singapore (GIC) và ESR Group – một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương đã hợp tác thành lập liên doanh trị giá 600 triệu USD. Năm nay, ESR tiếp tục mua cổ phần của BW Industrial – công ty bất động sản công nghiệp và logistics lớn nhất tại Việt Nam.

Bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát tại nhiều nền kinh tế, các nhà đầu tư bất động sản vẫn cam kết đầu tư vào các dự án về logistics tại châu Á – Thái Bình Dương. Trong vài thập kỷ trở lại đây, khu vực này cho thấy sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhân khẩu học thuận lợi, tầng lớp trung lưu ngày càng đông, sức tiêu dùng cao và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử sau đại dịch COVID-19… Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng hậu cần của khu vực cũng được đầu tư với hệ thống cảng biển, sân bay tại các thành phố trọng điểm.

Ghi nhận của Bộ phận Nghiên cứu Savills châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, vốn đầu tư vào phân khúc này đã tăng trưởng mạnh, vượt qua bán lẻ để trở thành phân khúc có tổng giao dịch nhiều thứ 2 trong khu vực. Theo dữ liệu của MSCI (Morgan Stanley Capital International – công ty tài chính của Mỹ), trong 3 quý đầu năm 2022, tổng giá trị các giao dịch logistics đạt 29,5 tỷ USD, so với bán lẻ là 22,3 tỷ USD.

Trong cuộc khảo sát ý định đầu tư mới nhất của Hiệp hội Các nhà đầu tư châu Á về bất động sản không niêm yết (ANREV), bất động sản công nghiệp và logistics là loại hình được ưa chuộng thứ hai, sau bất động sản nhà ở với 76% nhà đầu tư dự định đầu tư vào lĩnh vực này tại châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2023.

Ông Jack Harkness, Giám đốc Dịch vụ Bất động sản công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương của Savills đánh giá, nhờ sự phát triển ổn định của những yếu tố giúp thúc đẩy thị trường, các nhà đầu tư bất động sản vẫn thể hiện cam kết với lĩnh vực logistics tại thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang thận trọng hơn. Xu hướng này chủ yếu đến từ những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu và các thị trường nơi tỷ suất vốn hóa suy giảm đáng kể và lãi suất tăng.

Trong năm 2022, thị trường đã chứng kiến sự ra đời của nhiều quỹ đầu tư mới. Đơn cử, GLP – nhà quản lý đầu tư và phát triển kinh doanh hàng đầu thế giới trong lĩnh vực logistics, cơ sở hạ tầng dữ liệu, năng lượng tái tạo và các công nghệ liên quan đã công bố thành lập quỹ đầu tư thu nhập thứ 6 tại Trung Quốc, gây quỹ được 1,05 tỷ USD. Cùng đó, Tập đoàn quản lý quỹ đầu tư và logistics ESR đã gây quỹ 373 triệu USD cho một quỹ đầu tư phát triển tại Australia.

Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này cũng diễn ra sôi động ngay từ đầu năm 2023, khi Quỹ quản lý đầu tư Anh M&G tuyên bố đã chi 267 triệu USD để tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại một trung tâm logistics tại Nhật Bản. Trong khi đó, nhà quản lý đầu tư Hàn Quốc Mirae Asset Global Investment đã mua kho hàng đầu tiên tại Mumbai (Ấn Độ) vào tháng 1 vừa qua.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ ngay!